QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Tiền thân của Công ty TNHH Gốm sứ Vạn An Lộc là một xưởng sản xuất gia đình nhỏ lẻ, thành lập từ năm 1935. Trải qua nhiều năm nghiên cứu, nghệ nhân Vũ Như Quỳnh đã thử nghiệm thành công kỹ thuật đắp nổi 3D trên sản phẩm gốm sứ, mở ra một con đường đi mới cho sản phẩm đắp nổi, thực sự đánh dấu tên tuổi của Vạn An Lộc trên thị trường. Vạn An Lộc đã cho ra đời những sản phẩm gốm sứ đắp nổi thếp vàng, dát vàng và các dòng men màu đa dạng giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, nâng tầm sản phẩm gốm sứ tâm linh hơn nữa.

Chặng đường phát triển đầy thử thách và gian nan

     Trong suốt quá trình hoạt động, không thể kể hết những khó khăn chồng chất cũng như những trở ngại không lường; và đặc biệt để tồn tại trên thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, công ty đã tìm hướng chiến lược cho riêng mình, trong đó trọng tâm là phát triển yếu tố mới trên nền sản phẩm cũ. Nghệ nhân trẻ Vũ Như Quỳnh đã suy nghĩ với những hoạ tiết truyền thống như công đào, mẫu đơn, … cô vẫn sẽ bảo tồn dòng men rạn cổ nhưng sẽ cải tiến đắp nổi 3D hình hoa văn cổ trên gốm sứ theo hướng tả thực.
 
     Tuy nhiên, ban đầu khi Quỳnh chia sẻ ý tưởng đó với bố mẹ- những người lâu nay vẫn quen làm nghề theo các bí quyết gia truyền, thì cô chưa nhận được sự đồng thuận ngay. Bố mẹ Quỳnh còn cho rằng, việc đắp nổi 3D hoa văn cổ là không khả thi. Nhưng không nản chí, Quỳnh đã âm thầm thử nghiệm đắp nổi 3D trên sản phẩm suốt 3 năm liền. “Trong 3 năm đó, mình đã làm hỏng đến hàng nghìn sản phẩm. Thậm chí, số gốm sứ đó khi đập đi, có thể đủ để lát cho nền nhà rộng vài trăm mét”- Quỳnh chia sẻ. Theo Quỳnh, cái khó của việc đắp hổi hoa văn trên đồ gốm sứ là làm sao để họa tiết không bị long, vỡ, đường nét hoa văn vẫn mềm mại, giống thật nhưng vẫn đảm bảo đủ độ cứng, chắc. Thêm nữa, màu sắc của sản phẩm phải hài hòa, đa dạng chứ không chỉ đơn sắc như trước.

     Quỳnh đã nghĩ đến việc tạo ra các khối sáng tối đậm nhạt khác nhau trên họa tiết để có hiệu ứng thị giác 3D cho họa tiết đắp nổi. Sau mỗi lần sản phẩm bị hỏng, Quỳnh lại rút ra kinh nghiệm về đun đốt, pha chế màu men, nguyên liệu, …  

     Cuối cùng, sự nỗ lực, kiên trì của Quỳnh đã được đền đáp. Sản phẩm đầu tiên với hoa văn đắp nổi 3D đã ra lò thành công. Sau khi nắm trong tay bí quyết, Quỳnh bắt đầu bắt tay sản xuất với số lượng lớn hơn, kiểu dáng sản phẩm cũng được Quỳnh cải tiến đa dạng. Quỳnh cho biết, tùy độ cầu kỳ, to nhỏ của từng sản phẩm mà thời gian cho ra lò cũng khác nhau. Không dừng lại ở đó, Quỳnh còn nghiên cứu để yếu tố vàng được thếp lên họa tiết khiến giá trị sản phẩm nâng lên nhiều lần hơn nữa. Đến năm 2015, Vạn An Lộc cho ra đời sản phẩm gốm sứ đắp nổi thếp vàng, dát vàng. Và trải qua nhiều lần học hỏi, đổi mới, đến năm 2019, các dòng men màu đa dạng được ra mắt giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn. 

     Trong tương lai, Vạn An Lộc còn muốn đưa sản phẩm gốm sứ đắp nổi 3D ra giới thiệu nhiều hơn với khách hàng trong nước và đặc biệt là đưa ra thế giới. Vạn An Lộc muốn bạn bè quốc tế thấy rằng, những người thợ Việt hoàn toàn có thể làm ra những chiếc bình gốm sứ tinh xảo, điêu luyện.

NGHỆ NHÂN VŨ NHƯ QUỲNH

 

     Vũ Như Quỳnh hiện là giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Vạn An Lộc ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Quỳnh kể, gia đình cô đã có 4 đời làm nghề gốm sứ ở Bát Tràng. Vì thế, từ nhỏ Quỳnh đã quen với mùi hương của đất sét khi chứng kiến bố mẹ, người thân làm đồ gốm. Nhưng ban đầu, Quỳnh chưa nhận ra tình yêu của mình với gốm sứ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Quỳnh đã đăng ký học ngành thiết kế thời trang ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Cho tới 4 năm sau, khi ra trường, Quỳnh mới nghĩ tới việc chuyển nghề, về nối nghiệp gia đình. “Học đại học đã cho mình nhiều kiến thức về mỹ thuật như hình khối, màu sắc, thiết kế sản phẩm… để có thể vận dụng, sáng tạo khi sản xuất gốm”– Quỳnh chia sẻ. Quỳnh đã bắt đầu bằng ý tưởng phục hồi lại họa tiết hoa văn cổ của đời xưa bằng cách làm mới lại rồi đưa vào các sản phẩm gốm đương đại. Bằng cách đó, Quỳnh vừa có thể giữ gìn được hoa văn, bản sắc gốm Việt nhưng sản phẩm vẫn đủ độ hiện đại để tồn tại trong đời sống hiện nay.

bong hut loc thuan buom xuoi gio

Dòng gốm VẠN AN LỘC

 

     Sự kết hợp tài tình giữa gốm và vàng, giữa những chất liệu chịu nhiệt và đẹp lên qua những lần thử lửa, cùng với sự tìm tòi chịu khó của người nghệ nhân tích lũy tinh hoa qua nhiều đời làm nghề đã làm nên thương hiệu Vạn An Lộc được ưa chuộng gần xa.

Tỳ Bà Phú Quý Trường Xuân đắp nổi men Coban vẽ vàng cao cấp Bát Tràng

Tầm nhìn – Sứ mệnh

 

     Sản phẩm gốm sứ tâm linh có thể ví như một tác phẩm nghệ thuật bởi những tạo hình tinh tế, kỹ thuật nung điêu luyện cũng như những nét trang trí tài tình mà vẫn đậm hồn dân tộc Việt. Với sự cam kết ngay từ ban đầu về chất lượng, với sự đầu tư nghiêm túc vào phát triển công nghệ, chuẩn hóa quy trình sản xuất, sản phẩm của Vạn An Lộc đạt độ tinh xảo cao, mỗi họa tiết hoa văn đều mang lại cảm giác sống động trên sản phẩm.